skip to Main Content
Menu
THÂN THIỆN - THỰC TẾ - THÀNH THẠO - UY TÍN - TẬN TÂM

Cách hạch toán mua hàng theo TT133

Cách hạch toán mua hàng theo TT133. Trong thực tế, mua hàng là một hoạt động quan trọng không thể thiếu hay còn là nghiệp vụ mở đầu quy trình kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy, khi phát sinh nghiệp vụ mua hàng, kế toán Doanh nghiệp sẽ hạch toán như thế nào?

Kế toán Hà Nội sẽ hướng dẫn các bạn Cách hạch toán mua hàng theo TT133.

Cách hạch toán mua hàng theo TT133

Cách hạch toán mua hàng theo TT133

Mời các bạn theo dõi bài viết.

Trước khi tìm hiểu về Cách hạch toán mua hàng theo TT133, chúng ta sẽ tìm hiểu khái quát về hoạt động mua hàng trong doanh nghiệp.

 Hoạt động mua hàng trong Doanh nghiệp là gì? 

Mua hàng là giai đoạn đầu tiên của quá trình lưu chuyển hàng hóa, là quan hệ trao đổi giữa người mua và người bán về trị giá hàng hóa thông qua quan hệ thanh toán tiền hàng. Là quá trình vốn Doanh nghiệp chuyển hoá từ hình thái tiền tệ sang hình thái hàng hóa.

Mua hàng nhằm tạo tiền đề vật chất cho hoạt động bán hàng. Các doanh nghiệp muốn bán hàng ra thị trường thì phải có các yếu tố đầu vào chính là hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu của doanh nghiệp. Mua hàng sẽ giúp cho doanh nghiệp có hàng hóa trong tay từ đó bán ra thị trường.

 Các phương thức mua hàng trong Doanh nghiệp là gì?

Mua hàng trong hoạt động thương mại nội địa có thể được thực hiện theo hai phương thức, đó là: Mua hàng theo phương thức trực tiếp và Mua hàng theo phương thức chuyển hàng.

 Mua hàng theo phương thức trực tiếp: Căn cứ vào hợp đồng kinh tế đã ký kết, cán bộ nghiệp vụ của DN mang giấy uỷ nhiệm nhận hàng đến đơn vị bán để nhận hàng theo quy định trong hợp đồng hay để mua hàng trực tiếp. Cán bộ nghiệp vụ chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa về DN.

 Mua hàng theo phương thức chuyển hàng: Bên bán căn cứ vào hợp đồng kinh tế đã ký kết hoặc đơn đặt hàng, chuyển hàng tới cho bên mua, giao hàng tại kho của bên mua hay tại địa điểm do bên mua quy định trước.

Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu Cách hạch toán mua hàng theo TT133.

Cách hạch toán mua hàng theo TT133Tài khoản sử dụng.

Theo Thông tư 133, để hạch toán nghiệp vụ mua hàng, chúng ta sử dụng TK 611.

Tài khoản 611 – Mua hàng: Là TK dùng để phản ánh trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa Doanh nghiệp mua vào, nhập kho hoặc đưa vào sử dụng trong kỳ.

Cách hạch toán mua hàng theo TT133Cách hạch toán mua hàng theo TT133.

Tùy vào loại hình kinh doanh của từng Doanh nghiệp, kế toán hạch toán nghiệp vụ mua hàng cụ thể như sau:

Cách hạch toán mua hàng theo TT133Hạch toán mua hàng đối với doanh nghiệp KINH DOANH HÀNG HÓA.

Kế toán Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa hạch toán nghiệp vụ mua hàng theo từng thời điểm như sau:

 Hạch toán mua hàng vào ĐẦU KỲ kế toán.

Kế toán tiến hành hạch toán các nghiệp vụ kết chuyển vào đầu kỳ kế toán như sau:

– Kế toán kết chuyển giá trị hàng hóa tồn kho đầu kỳ, hạch toán:

Nợ TK 611: Trị giá hàng hóa tồn kho

Có TK 156: Trị giá hàng hóa tồn kho.

– Kế toán kết chuyển giá trị hàng hóa đã gửi cho khách hàng nhưng chưa được xác định là đã bán trong kỳ, hàng hóa gửi bán đại lý, ký gửi (chưa được coi là đã bán trong kỳ), hạch toán:

Nợ TK 611: Trị giá hàng hóa gửi bán

Có TK 157: Trị giá hàng hóa gửi bán.

 Hạch toán mua hàng TRONG KỲ kế toán.

Trong kỳ kế toán, khi DN mua hàng hoá nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì kế toán phản ánh vào TK 611 giá gốc hàng hóa mua vào không có thuế GTGT.

– Phản ánh trị giá thực tế hàng hóa mua vào, hạch toán:

Nợ TK 611: Trị giá hàng hóa mua vào chưa có thuế GTGT

Nợ TK 1331:Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 141, 331: Tổng trị giá thanh toán.

– Khi phát sinh chi phí mua hàng, hạch toán:

Nợ TK 611: Trị giá chi phí mua hàng

Nợ TK 1331: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 141, 331,…: Tổng trị giá thanh toán.

– Trường hợp Doanh nghiệp thanh toán trước hạn, nhận được khoản chiết khấu thanh toán trên lô hàng đã mua, hạch toán:

Nợ TK 331: Trị giá phải trả (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)

Có các TK 111, 112,…: Trị giá phải trả.

Có TK 515: Trị giá khoản chiết khấu thanh toán.

– Khi trả lại hàng hóa cho người bán, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112: Trị giá khoản phải thu (thu ngay bằng tiền)

Nợ TK 331: Phải trả cho người bán (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)

Có TK 611: Trị giá hàng hóa trả lại người bán

Có TK 1331: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

– Khi hàng hóa không đúng phẩm chất, quy cách theo hợp đồng, người bán chấp thuận giảm giá hàng mua cho DN, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112: Trị giá khoản được giảm (thu ngay bằng tiền)

Nợ TK 331: Trị giá khoản được giảm (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)

Có TK 611: Mua hàng

Có TK 1331: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

 Hạch toán mua hàng vào CUỐI KỲ kế toán.

Kế toán căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế tính vào cuối kỳ kế toán, xác định trị giá hàng tồn kho, trị giá hàng hóa đã gửi bán nhưng chưa xác định là đã bán, trị giá hàng hóa xác định là đã bán:

– Kế toán kết chuyển trị giá hàng hóa tồn kho và hàng gửi đi bán cuối kỳ, hạch toán:

Nợ TK 156: Trị giá hàng hóa tồn kho

Nợ TK 157: Trị giá hàng hóa gửi đi bán

Có TK 611: Mua hàng.

– Kế toán kết chuyển giá vốn hàng bán, hạch toán:

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán

Có TK 611: Mua hàng.

Cách hạch toán mua hàng theo TT133Hạch toán mua hàng đối với doanh nghiệp SẢN XUẤT công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây lắp.

Kế toán Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa hạch toán nghiệp vụ mua hàng theo từng thời điểm như sau:

 Hạch toán mua hàng vào ĐẦU KỲ kế toán.

Kế toán tiến hành hạch toán các nghiệp vụ kết chuyển vào đầu kỳ kế toán như sau:

– Kế toán kết chuyển trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (theo kết quả kiểm kê cuối kỳ trước), hạch toán:

Nợ TK 611: Mua hàng

Có TK 152: Trị giá nguyên liệu, vật liệu tồn kho đầu kỳ

Có TK 153: Trị giá công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ.

– Kế toán kết chuyển trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ đang đi đường đầu kỳ (căn cứ trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ đang đi đường đã kết chuyển cuối kỳ trước), hạch toán:

Nợ TK 611: Trị giá hàng mua đang đi đường

Có TK 151: Trị giá hàng mua đang đi đường.

 Hạch toán mua hàng vào TRONG KỲ kế toán.

Trong kỳ kế toán, khi DN mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì kế toán phản ánh vào TK 611 giá gốc nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua vào không có thuế GTGT. Hạch toán:

Nợ TK 611: Trị giá mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ chưa có thuế GTGT

Nợ TK 133: Tiền thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 331: Trị giá phải trả cho người bán.

– Trường hợp Doanh nghiệp thanh toán tiền mua hàng, nhận được khoản chiết khấu thanh toán, hạch toán:

Nợ TK 331: Trị giá phải trả cho người bán

Có các TK 111, 112,…: Trị giá phải trả

Có TK 515: Trị giá khoản chiết khấu thanh toán.

– Khi nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ không đúng phẩm chất, quy cách theo hợp đồng, người bán chấp thuận giảm giá hoặc DN trả lại hàng mua, hạch toán:
  • Trường hợp trả lại hàng mua cho người bán, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112: Trị giá khoản phải thu (thu ngay bằng tiền)

Nợ TK 331: Phải trả cho người bán (trừ vào số nợ còn phải trả người bán)

Có TK 611: Trị giá nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ đã trả lại người bán

Có TK 1331: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

  • Trường hợp được giảm giá hàng của lô hàng đã mua, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112: Trị giá khoản tiền được giảm (thu ngay bằng tiền)

Nợ TK 331: Trị giá khoản tiền được giảm (trừ vào số nợ còn phải trả người bán)

Có TK 611: Mua hàng (khoản giảm giá được chấp thuận)

Có TK 133: Tiền thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

 Hạch toán mua hàng CUỐI KỲ kế toán.

Kế toán căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế tính vào cuối kỳ kế toán, xác định trị giá hàng tồn kho, trị giá hàng hóa đã gửi bán nhưng chưa xác định là đã bán, trị giá hàng hóa xác định là đã bán:

Kế toán căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế cuối kỳ kế toán, phải xác định trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ, đã mua nhưng chưa về nhập kho, xuất vào sử dụng hoặc xuất bán.

– Kế toán kết chuyển trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ (theo kết quả kiểm kê), hạch toán:

Nợ TK 152: Trị giá nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ

Nợ TK 153: Trị giá công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ

Có TK 611: Mua hàng.

– Kế toán xác định trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ đã mua nhưng chưa về nhập kho (còn đang đi đường cuối kỳ), hạch toán:

Nợ TK 151: Trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua đang đi đường

Có TK 611: Trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua đang đi đường.

– Hạch toán trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trong kỳ:

Nợ các TK 642, 241, 631: Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất sử dụng

Có TK 611: Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất sử dụng.

– Hạch toán trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ thiếu hụt, mất mát chờ xử lý, hạch toán:

Nợ TK 1381: Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ thiếu hụt, mất mát

Có TK 611: Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ thiếu hụt, mất mát.

Trên đây, Kế toán Hà Nội đã hướng dẫn các bạn cách Hạch toán mua hàng theo TT133. Cảm ơn các bạn đã theo dõi.

Khóa học kế toán tổng hợp cho người đã biết kế toán.

Đối tác - khách hàng

ACB
Vietin_bank
MT-Phaco
Web Bách Thắng
BIDV
Agribank
ACB
Back To Top
Copyright 2018 © Kế Toán Hà Nội | Thiết kế bởi Web Bách Thắng