Hướng dẫn cách tính giá thành theo đơn đặt hàng
Hướng dẫn cách tính giá thành theo đơn đặt hàng bao gồm: Điều kiện áp dụng cách tính giá thành theo đơn đặt hàng; Đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành của cách tính giá thành theo đơn đặt hàng; Ví dụ chi tiết về tính giá thành theo đơn đặt hàng. Mời bạn cùng Kế Toán Hà Nội nghiên cứu nhé.
1. Tính giá thành theo đơn đặt hàng – Điều kiện áp dụng.
Cách tính giá thành theo đơn đặt hàng áp dụng cho:
- Doanh nghiệp sản xuất đơn chiếc.
- Doanh nghiệp sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng.
Lưu ý: Đặc điểm của cách tính giá thành theo đơn đặt hàng là tính giá thành sản phẩm theo từng đơn đặt hàng, nên việc tổ chức kế toán chi phí phải chi tiết hóa theo từng đơn hàng.
2. Tính giá thành theo đơn đặt hàng – Đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành.
Đối với phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng, thì đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành được xác định như sau:
- Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất: Là từng đơn đặt hàng.
- Đối tượng tính giá thành sản phẩm: Là từng sản phẩm hoặc từng loạt hàng đã sản xuất hoàn thành theo đơn đặt hàng của khách hàng. Kỳ tính giá thành không phù hợp với kỳ báo cáo mà là khi đơn đặt hàng hoàn thành.
3. Tính giá thành theo đơn đặt hàng – Trình tự thực hiện.
Nếu Doanh nghiệp mà áp dụng phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng ⇒ thì Kế toán phải mở bảng kê tập hợp Chi phí sản xuất cho từng đơn đặt hàng, chi tiết cho từng sản phẩm, từng loạt hàng.
Nếu Doanh nghiệp áp dụng cách tính giá thành theo đơn đặt hàng thì các loại chi phí được tập hợp và hạch toán như sau:
Chi phí trực tiếp (Nguyên vật liệu, nhân công).
Đối với chi phí trực tiếp bao gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp phát sinh liên quan trực tiếp đến đơn đặt hàng nào thì được tập hợp và hạch toán trực tiếp cho đơn đặt hàng đó theo các chứng từ gốc.
Chi phí sản xuất chung.
Đối với chi phí sản xuất chung khi phát sinh được tập hợp theo từng bộ phận, từng phân xưởng. Cuối tháng phân bổ theo tiêu chuẩn phù hợp cho từng đơn đặt hàng. Các tiêu chuẩn phân bổ như: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, giờ công sản xuất,…
Trình tự tính giá thành theo đơn đặt hàng.
Đối với cách tính giá thành theo đơn đặt hàng ⇒ Doanh nghiệp có thể vận dụng một trong các cách tính giá thành cụ thể sau: phương pháp trực tiếp; phương pháp phân bước; phương pháp tỉ lệ; phương pháp hệ số và phương pháp liên hợp.
Để lựa chọn được phương pháp phù hợp ⇒ Doanh nghiệp cần căn cứ vào tính chất, số lượng sản phẩm của từng đơn đặt hàng.
Dù lựa chọn theo phương pháp nào thì cuối mỗi tháng đều phải căn cứ CPSX đã tập hợp ở từng phân xưởng, đội sản xuất theo từng đơn đặt hàng trên bảng kê chi phí sản xuất để ghi vào các bảng tính giá thành của đơn đặt hàng có liên quan, như sau:
- Trường hợp đơn đặt hàng đã hoàn thành ⇒ thì toàn bộ chi phí đã tập hợp trên bảng tính giá thành là tổng giá thành thực tế của đơn đặt hàng hoàn thành.
- Trường hợp đơn đặt hàng chưa hoàn thành ⇒ thì chi phí đã tập hợp được trong bảng tính giá thành là giá trị của sản phẩm làm dở.
Lưu ý: Đối với những đơn đặt hàng mà sản xuất nhiều loại sản phẩm (sản xuất hàng loạt). Trong đó có một số sản phẩm đã sản xuất xong, nhập kho hoặc giao trước cho khách hàng, nếu các đơn hàng này cần hạch toán thì giá thành của những sản phẩm này được tính theo giá thành kế hoạch, phần chi phí còn lại là giá trị của sản phẩm làm dở. Và giá trị sản phẩm làm dở của đơn hàng được xác định như sau:
Quy trình tính giá thành theo đơn đặt hàng được tóm tắt như sau:
4. Tính giá thành theo đơn đặt hàng – Ví dụ chi tiết.
Tại Doanh nghiệp sản xuất A, có một phân xưởng sản xuất chính, trong tháng 8/2018 có nhận được 2 đơn đặt hàng số 1 và số 2. Số liệu tập hợp được trong tháng 8/2018 như sau:
a) Chi phí Nguyên vật liệu trực tiếp của:
- Đơn hàng 1 là 1.400.000 nghìn đồng.
- Đơn hàng 2 là 1.330.000 nghìn đồng.
b) Chi phí Nhân công trực tiếp của:
- Đơn hàng 1 là 440.000 nghìn đồng.
- Đơn hàng 2 là 418.000 nghìn đồng.
c) Chi phí sản xuất chung của 2 đơn hàng là 312.000 nghìn đồng.
d) Cuối tháng 8/2018 đơn hàng 1 sản xuất xong và giao 95 sản phẩm hoàn thành cho khách hàng, đơn hàng 2 chưa hoàn thành.
Với số liệu trên, Doanh nghiệp sản xuất A tập hợp chi phí và tính giá thành theo đơn đặt hàng cho từng đơn hàng như sau:
Phân bổ chi phí sản xuất chung cho từng đơn đặt hàng (đơn hàng 1 và 2):
Lập thẻ tính giá thành cho từng đơn hàng (đơn hàng 1 và 2):
- Đơn hàng số 1 đã thực hiện xong, lập thẻ tính giá thành như sau:
Doanh nghiệp sản xuất A
THẺ TÍNH GIÁ THÀNH – ĐƠN ĐẶT HÀNG 1
Tháng 8 năm 2018
Số lượng sản phẩm hoàn thành (SLSPHT): 95 sản phẩm
Đơn vị: Nghìn đồng
Khoản mục chi phí | Giá trị sản phẩm dở dang đầu kỳ | Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ | Giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ | Tổng giá thành sản phẩm hoàn thành trong kỳ | Giá thành đơn vị sản phẩm hoàn thành trong kỳ |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5)=(2)+(3)-(4) | (6)=(5)/95 SLSPHT |
Chi phí Nguyên vật liệu trực tiếp | – | 1.400.000 | – | 1.400.000 | 14.737 |
Chi phí Nguyên nhân công trực tiếp | – | 440.000 | – | 440.000 | 4.632 |
Chi phí sản xuất chung | – | 160.000 | – | 160.000 | 1.684 |
Cộng | 2.000.000 | 2.000.000 | 21.053 |
- Đơn hàng 2 chưa thực hiện xong nên sản phẩm của đơn hàng 2 là sản phẩm dở dang và tổng chi phí dở dang của đơn hàng 2 là: 1.330.000 + 418.000 + 152.000 = 1.900.000 nghìn đồng.
Cảm ơn bạn đã theo dõi hướng dẫn cách tính giá thành theo đơn đặt hàng. Kế Toán Hà Nội chúc bạn đọc Sức khỏe và Thành công.
Nếu bạn muốn nâng cao trình độ kế toán có thể tham khảo các khóa học kế toán thực tế. Nếu bạn muốn nâng cao giá trị bản thân và có thu nhập cao hơn tham khảo về chứng chỉ đại lý thuế.