Kế toán xác định kết quả kinh doanh
Kế toán xác định kết quả kinh doanh bao gồm những công việc gì? Để làm tốt kế toán xác định kết quả kinh doanh phải nắm bắt được những nội dung gì?
Theo Kế Toán Hà Nội muốn làm tốt công tác kế toán xác định kết quả kinh doanh thì Bạn phải hiểu được Kết quả kinh doanh là gì? Sau đó nắm được quy trình xác định kết quả kinh doanh, bao gồm: Công thức xác định kết quả kinh doanh; Tài khoản sử dụng khi xác định kết quả kinh doanh; Cách hạch toán kết quả kinh doanh.
Mời bạn cùng với Kế Toán Hà Nội nghiên cứu Kế toán xác định kết quả kinh doanh trong Doanh nghiệp theo thông tư 200 và thông tư 133. Chúng ta lần lượt đi vào quy trình xác định kết quả kinh doanh như sau:
1. Khái niệm về kết quả kinh doanh:
Theo Điều 68 thông tư 133/2016/TT-BTC và Điều 96 thông tư 200/2014/TT-BTC >>> Kết quả kinh doanh là kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động khác trong một thời kỳ nhất định. Biểu hiện của kết quả kinh doanh là số lãi (hoặc số lỗ).
2. Cách xác định kết quả kinh doanh trong Doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh trong một Doanh nghiệp được cấu thành bởi Kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh chính; Kết quả của hoạt động tài chính và kết quả của hoạt khác trong Doanh nghiệp. Công thức xác định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
Kết quả kinh doanh (lợi nhuận trước thuế TNDN hoặc lỗ) | = | Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh | + | Kết quả kinh doanh hoạt động tài chính | + | Kết quả kinh doanh hoạt động khác |
Chúng ta cùng đi xác định các kết quả trên nhé.
2.1 Cách xác định Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh:
Kết quả hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh được xác định trên kết quả về tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ: là số chênh lệch giữa doanh thu thuần về bán hàng và CCDV (doanh thu thuần) với giá vốn hàng đã bán (của sản phẩm, hàng hoá, lao vụ,dịch vụ,bất động sản đầu tư…), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Công thức xác định Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trong trường hợp DN áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 200/2014/TT-BTC. | ||||||||
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh | = | Doanh thu thuần về bán hàng | – | Giá vốn hàng bán | – | Chi phí bán hàng | – | Chi phí quản lý doanh nghiệp |
Công thức xác định Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trong trường hợp DN áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 133/2016/TT-BTC. | ||||||
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh | = | Doanh thu thuần về bán hàng | – | Giá vốn hàng bán | – | Chi phí bán hàng |
Trong đó:
a. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ được xác định như sau:
Doanh thu THUẦN về bán hàng và cung cấp dịch vụ | = | Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch | – | Các khoản giảm trừ doanh thu (bao gồm: Chiết khấu thương mại, Hàng bán bị trả lại, Giảm giá hàng bán) |
b. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ:
Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu (Theo chuẩn mực kế toán số 17 Doanh thu và thu nhập khác).
Mời các bạn xem cách hạch toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, theo Thông tư 200 TẠI ĐÂY, theo Thông tư 133 TẠI ĐÂY.
c. Giá vốn hàng bán được xác định như sau:
- Đối với Cơ sở sản xuất, xây lắp thì >>> Trị giá vốn thực tế của sản phẩm xuất kho để bán hoặc sản phẩm hoàn thành không nhập kho đưa đi bán ngay chính là giá thành sản xuất thực tế của sản phẩm hoàn thành.
- Đối với Cơ sở kinh doanh thương mại: Trị giá vốn của hàng hóa xuất bán chính là giá mua cộng (+) chi phí thu mua cộng (+) Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) trừ đi (-) Giảm giá hàng mua, chiết khấu thương mại tính cho lượng hàng xuất bán.
Lưu ý: Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản thì giá vốn hàng bán còn bao gồm: Chi phí khấu hao; chi phí sửa chữa; chi phí nghiệp vụ cho thuê BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động (trường hợp phát sinh không lớn); chi phí nhượng bán, thanh lý BĐS đầu tư…
Mời các bạn xem cách hạch toán GIÁ VỐN hàng bán theo Thông tư 200 TẠI ĐÂY, theo Thông tư 133 TẠI ĐÂY
Mời các bạn tìm hiểu thêm các chỉ tiêu sau:
-Chi phí bán hàng: |
Là toàn bộ các khoản chi phí phát sinh liên quan đến quá trình bán sản phẩm, hàng hóa và cung cung cấp dịch vụ.
(Mời các bạn xem cách hạch toán theo Thông tư 200 tại đây). |
-Chi phí quản lý doanh nghiệp: |
Là toàn bộ chi phí liên quan đến hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý hành chính và một số khoản khác có tính chất chung toàn doanh nghiệp phân bổ cho số hàng đã bán.
(Mời các bạn xem cách hạch toán theo Thông tư 200 tại đây). |
-Chi phí quản lý kinh doanh |
Bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
(Mời các bạn xem cách hạch toán theo Thông tư 133 tại đây). |
-Chiết khấu thương mại |
Là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
(Mời các bạn xem cách hạch toán theo Thông tư 200 và Thông tư 133 tại đây). |
-Giảm giá hàng bán |
Là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hóa kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách theo quy định trong hợp đồng kinh tế.
(Mời các bạn xem cách hạch toán theo Thông tư 200 và Thông tư 133 tại đây). |
-Hàng bán bị trả lại
|
Hàng hóa bị khách hàng trả lại thường do các nguyên nhân: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.
(Mời các bạn xem cách hạch toán theo Thông tư 200 và Thông tư 133 tại đây). |
2.2. Cách xác định Kết quả kinh doanh hoạt động tài chính:
Kết quả hoạt động tài chính là số chênh lệch giữa doanh thu của hoạt động tài chính và chi phí hoạt động tài chính. Kết quả hoạt động tài chính được xác định theo công thức sau:
Kết quả hoạt động tài chính | = | Doanh thu thuần hoạt động tài chính | – | Chi phí hoạt động tài chính |
2.3. Cách xác định Kết quả kinh doanh hoạt động khác:
Kết quả kinh doanh hoạt động khác trong doanh nghiệp là số chênh lệch giữa số thu nhập khác và chi phí khác. Kết quả kinh doanh hoạt động khác được xác định theo công thức sau:
Kết quả hoạt động khác | = | Thu nhập khác | – | Chi phí khác |
Sau khi hiểu về cách xác định kết quả kinh doanh và biết cách xác định kết quả kinh doanh. Bây giờ chúng ta cùng đi vào Tài khoản sử dụng khi xác định kết quả kinh doanh; Cách hạch toán kết quả kinh doanh.
3. Phương pháp hạch toán kế toán kết quả kinh doanh:
Xác định tài khoản sử dựng để hạch toán là một trong những nội dụng quan trọng của Kế toán kết quả kinh doanh. Vậy tài khoản sử dụng đối với Kế toán kết quả kinh doanh bao gồm những tài khoản nào?
3.1. Tài khoản kế toán sử dụng trong Kế toán kết quả kinh doanh:
Theo thông tư 200 và thông tư 133 thì Tài khoản được dùng để xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính và hoạt động khác của DN trong một kỳ hạch toán là Tài khoản 911 ” Xác định kết quả kinh doanh”: Nội dung, kết cấu phản ánh trên TK 911 như sau:
Bên Nợ |
Bên Có |
–Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán; | –Doanh thu thuần về số sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán trong kỳ; |
– Chi phí hoạt động tài chính, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí khác; | – Doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác và khoản ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp; |
– Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp; | – Kết chuyển lỗ. |
– Kết chuyển lãi. | |
Tài khoản 911 không có số dư cuối kỳ. |
Ngoài ra để xác định kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp còn sử dụng các tài khoản liên quan khác như:
Theo thông tư 200/2014/TT-BTC: |
Theo thông tư 133/2016/TT-BTC: |
– TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” (mời các bạn xem tại đây); | – TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” (mời các bạn xem tại đây); |
– TK 521 “ Các khoản giảm trừ doanh thu” (mời các bạn xem tại đây); | – TK 333 “Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước “ (mời các bạn xem tại đây); |
– TK 333 “Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước “ (mời các bạn xem tại đây); | – Tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán” (mời các bạn xem tại đây); |
– Tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán” (mời các bạn xem tại đây); | – Tài khoản 635 “Chi phí tài chính” (mời các bạn xem tại đây); |
– Tài khoản 635 “Chi phí tài chính” (mời các bạn xem tại đây); | – Tài khoản 642 “Chi phí quản lý kinh doanh” (mời các bạn xem tại đây) |
– Tài khoản 641 “Chi phí bán hàng” (mời các bạn xem tại đây); | – Tài khoản 711 “Thu nhập khác” (mời các bạn xem tại đây); |
– Tài khoản 642 “Chi phí quản lý doanh nghiệp” (mời các bạn xem tại đây) | – Tài khoản 811 “Chi phí khác” (mời các bạn xem tại đây); |
– Tài khoản 711 “Thu nhập khác” (mời các bạn xem tại đây); | – Tài khoản 821 “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp” (mời các bạn xem tại đây). |
– Tài khoản 811 “Chi phí khác” (mời các bạn xem tại đây); | |
– Tài khoản 821 “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp” (mời các bạn xem tại đây). |
Sau khi Xác định được tài khoản chính và tài khoản liên quan khi hạch toán kế toán kết quả kinh doanh. Chúng ta cùng đi vào Cách hạch toán kết quả kinh doanh như sau:
3.2. Trình tự Cách hạch toán kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp:
Kế toán kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp thường được thực hiện vào cuối kỳ kế toán. Kỳ kế toán có thể là Tháng, Quý, Năm. Vào cuối kỳ kế toán thì các Bạn phải thực hiện các bút toán kết chuyển Doanh thu, Thu nhập, chi phí để xác định kết quả kinh doanh. Các bút toán kết chuyển cuối kỳ bao gồm:
Lưu ý khi thực hiện các bút toán kết chuyển:
- Nếu DN áp dụng chế độ kế toán theo TT 200 thì PHẢI thực hiện kết chuyển các khoản giảm trừ Doanh thu – TK 521 sang TK 511, để xác định doanh thu thuần. Cách hạch toán kết chuyển như sau:
Nợ TK 511: Tổng số tiền Chiết khấu thương mại, Hàng bán bị trả lại và Giảm giá hàng bán phát sinh trong kỳ.
Có TK 5211: Số tiền Chiết khấu thương mại phát sinh trong kỳ.
Có TK 5212: Số tiền Hàng bán bị trả lại phát sinh trong kỳ.
Có TK 5213: Số tiền Giảm giá hàng bán phát sinh trong kỳ.
- Nếu DN áp dụng chế độ kế toán theo TT 133 thì KHÔNG PHẢI thực hiện kết chuyển các khoản giảm trừ Doanh thu – TK 521 sang TK 511, để xác định doanh thu thuần nữa. Vì theo TT 133 thì các khoản giảm trừ Doanh thu không hạch toán vào TK 521 mà hạch toán trực tiếp vào bên NỢ TK 511 khi phát sinh.
a) Hạch toán kết chuyển doanh thu thuần vào tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ:
Nợ TK 511: Doanh thu THUẦN phát sinh trong kỳ
Có TK 911: Doanh thu THUẦN phát sinh trong kỳ
b) Hạch toán kết chuyển trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán trong kỳ:
Nợ TK 911: Trị giá vốn hàng bán trong kỳ.
Có TK 632 : Trị giá vốn hàng bán trong kỳ.
c) Hạch toán kết chuyển doanh thu hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ
Có TK 911: Doanh thu hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ
d) Hạch toán kết chuyển các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 711: Các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ
Có TK 911: Các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ
e) Hạch toán kết chuyển chi phí hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 911: Chi phí hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ
Có TK 635: Chi phí hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ
g) Hạch toán kết chuyển chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 911: Chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ
Có TK 641: Chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ (TT200)
Có TK 6421: Chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ (TT133)
h) Hạch toán kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 911: Chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ
Có TK 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ (TT200)
Có TK 6422: Chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ (TT133).
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 133/2016/TT-BTC, không hạch toán chi tiết TK 642 – Chi phí quản lý kinh doanh thành TK 6421 – Chi phí bán hàng và TK 6422 – Chi phí quản lý doanh nghiệp thì cuối kỳ kết chuyển “Chi phí quản lý kinh doanh” để xác định kết quả kinh doanh, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 642 – Chi phí quản lý kinh doanh.
i) Hạch toán kết chuyển các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 911: Các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ
Có TK 811: Các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ
k) Hạch toán kết chuyển chi phí thuế TNDN phát sinh trong kỳ:
(k1) Theo thông tư 200/2014/TT-BTC:
– Hạch toán kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
– Hạch toán kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 “Chi phí thuế thu nhập hoãn lại”
+ Nếu TK 8212 có số phát sinh bên Nợ lớn hơn số phát sinh bên Có, thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập hoãn lại.
+ Nếu số phát sinh Nợ TK 8212 nhỏ hơn số phát sinh Có TK 8212, kế toán kết chuyển số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 8212 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
(k2) Theo thông tư 133/2016/TT-BTC:
Hạch toán kết chuyển chi phí thuế TNDN:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 821 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
l) Các bút toán kết chuyển cuối kỳ đối với DN có đơn vị hạch toán phụ thuộc.
Định kỳ, đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp theo dõi kết quả kinh doanh trong kỳ nhưng không theo dõi đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thực hiện kết chuyển kết quả kinh doanh trong kỳ lên đơn vị cấp trên:
– Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 911- Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 336 – Phải trả nội bộ (3368).
– Kết chuyển lỗ, ghi:
Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (3368)
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
m) Hạch toán Kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối:
– Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
– Kết chuyển lỗ, ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Trên đây là toàn bộ Quy trình xác định kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp bao gồm Công thức xác định kết quả kinh doanh; Tài khoản sử dụng khi xác định kết quả kinh doanh; Cách hạch toán kết quả kinh doanh. Hi vọng qua bài viết này Bạn nắm rõ và vận dụng tốt vào công việc Kế toán xác định kết quả kinh doanh của mình.
Chúc bạn trở thành một Kế toán xác định kết quả kinh doanh Chuyên nghiệp.
Bạn muốn thành một KẾ TOÁN THUẾ GIỎI hãy tham khảo Lớp học kế toán thuế thực tế chuyên sâu và Lớp ôn thi chứng chỉ đại lý thuế của Kế Toán Hà Nội.